LÀM SAO ĐỂ NGƯỜI NHẬT NHÌN VÀO CV(履歴書) ĐÃ MUỐN TUYỂN BẠN?
Lê Duy Hưng
Bạn sắp tốt nghiệp?
Bạn đã tốt nghiệp và trong tay bạn là tấm bằng cử nhân danh giá, với kinh nghiệm là vài tháng thực tập tại doanh nghiệp và có thêm một chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N3 hoặc N2. Nhưng khi bạn nộp hồ sơ vào một công ty Nhật, bạn có tự tin rằng:
“Chỉ cần nhìn vào CV (履歴書) của bạn, nhà tuyển dụng sẽ muốn gặp phỏng vấn bạn ngay?”
Rất tiếc, phần lớn sinh viên Việt Nam thất bại ngay từ bước đầu tiên vì cách các bạn chuẩn bị CV(履歴書) giống như một bản khai thông tin, không phải là một bản chứng nhận cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người đáng tin.
Các bạn là những người am hiểu tiếng Nhật, văn hóa Nhật Bản, vì vậy bạn cũng hiểu rằng người Nhật không chỉ đọc bằng mắt. Họ “đọc” bằng cảm xúc, bằng thói quen nghề nghiệp, và bằng… cả trực giác. Chỉ cần 5 đến 10 giây đầu tiên, họ đã biết:
• Ứng viên này có nghiêm túc không?
• Có hiểu văn hóa Nhật không?
• Có thể đào tạo và làm việc lâu dài không?
Bài viết này sẽ giúp bạn biến bản CV(履歴書) của bạn thành vé vào “cánh cổng mở ra sự nghiệp tại doanh nghiệp Nhật” kể cả khi bạn chưa có kinh nghiệm làm việc chính thức.
Hãy cùng khám phá từng bí quyết, từng chi tiết khiến một nhà tuyển dụng Nhật không thể rời mắt khỏi CV của bạn.
1. CV(履歴書) là minh chứng “Tôi là người đáng tin”
Khi người Nhật đọc CV (履歴書) của ứng viên, họ không chỉ nhìn vào tấm bằng, kết quả học tập và các loại chứng chỉ hay kinh nghiệm ứng viên có mà còn muốn biết:
• Ứng viên có phải là người cẩn thận không?
• Ứng viên có tôn trọng cơ hội đối với công việc này không?
• Ứng viên có thể sống và làm việc theo cách của người Nhật không?
Đó là lý do vì sao:
• Một câu viết sai ngữ pháp có thể khiến bạn bị loại.
• Một tấm ảnh thẻ không chỉnh chu cũng khiến bạn bị mất điểm.
Check list cần lưu ý:
1. 読みにくい → 不合格(即スキップ)Khó đọc → Bị loại (bị bỏ qua lập tức)
→ Câu văn dài, rối rắm, nhiều lỗi chính tả, trình bày lộn xộn = “Người này không cẩn thận. Vào công ty sẽ gây rắc rối.”. Vì vậy, tiếng Nhật phải rõ ràng, dễ đọc.
*Cụ thể:
• Không có lỗi chính tả, lỗi đánh máy
Ví dụ: viết sai tên công ty hoặc dùng sai kính ngữ là điều tối kỵ trong mắt nhà tuyển dụng Nhật.
• Câu văn ngắn gọn, sử dụng thể lịch sự (です・ます…)
Viết mỗi câu chỉ nên truyền tải một ý, tránh viết dài dòng hoặc lòng vòng.
• Dùng thành thạo các dạng kính ngữ cơ bản như:
「〜いたしました」「〜ございます」「〜させていただきます」…
→ Không cần dùng kính ngữ hoàn hảo, chỉ cần đúng và tự nhiên.
• Ghi rõ cấp độ năng lực tiếng Nhật (JLPT) như: N4, N3, N2…
→ Đây là chỉ số giúp nhà tuyển dụng đánh giá được mức độ giao tiếp và đào tạo cần thiết cho bạn.
Vì sao điều này lại quan trọng?
(1). “CV khó đọc” = bị loại chỉ sau vài giây
Một nhà tuyển dụng ở công ty Nhật mỗi ngày phải xem từ vài chục đến hàng trăm bộ hồ sơ. Nếu hồ sơ bạn có lỗi ngữ pháp, dùng từ cứng nhắc hoặc diễn đạt khó hiểu, họ sẽ cho rằng:
・“Người này mà vào công ty thì chắc chắn việc truyền đạt sẽ khó khăn”
・“Mình không đủ thời gian để vừa đào tạo tiếng vừa hướng dẫn công việc đâu…”
Chính vì vậy, cho dù bạn có kinh nghiệm tốt, chỉ cần cách viết gây mệt cho người đọc, hồ sơ bạn vẫn bị đặt sang một bên.
(2). Trình độ tiếng Nhật cơ bản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đào tạo
Một nhân viên không hiểu rõ tiếng Nhật sẽ dễ:
• Làm sai yêu cầu
• Không tiếp nhận hoặc hiểu được hướng dẫn từ cấp trên
• Gây gián đoạn dây chuyền sản xuất hoặc quy trình
Chính vì vậy, CV sử dụng tiếng Nhật “chấp nhận được” sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy:“Tôi có thể đào tạo người này nhanh hơn. Đỡ mất thời gian.”
• Kính ngữ thể hiện thái độ học hỏi
Không ai yêu cầu bạn phải nói chuyện như nhân viên lễ tân Nhật Bản. Nhưng nếu bạn có thể viết tự nhiên một câu như:「よろしくお願いいたします」「ご確認お願いいたします」… thì nhà tuyển dụng đã biết bạn:
• Đã nỗ lực tìm hiểu văn hóa Nhật
• Biết tôn trọng người khác
• Có tiềm năng phát triển
Chính vì vậy, thái độ cầu tiến > trình độ hiện tại. Đó là tiêu chí vàng trong tuyển dụng nhân sự nước ngoài ở doanh nghiệp Nhật.
(3). Việc ghi cấp độ JLPT tạo ra “niềm tin ban đầu”
Ghi rõ trình độ “N4”, “N3” không khiến bạn trông kém cỏi. Ngược lại:
• Giúp công ty dễ ước lượng khả năng giao tiếp của bạn
• Giúp nhà tuyển dụng phân bổ công việc phù hợp
Chính vì vậy, không ghi gì = thiếu chuẩn bị. Ghi cụ thể = người có trách nhiệm, có định hướng.
Cuối cùng, tôi muốn bạn hãy tham khảo một lời nói thật lòng từ nhà tuyển dụng người Nhật:
“Tôi không cần bạn viết hoàn hảo, nhưng tôi muốn thấy bạn cố gắng để viết lịch sự và dễ hiểu. Chính sự nỗ lực đó cho tôi lý do để mời bạn đến phỏng vấn.”
2. 目的が不明 → 不合格(気持ちが弱い)Mục tiêu không rõ ràng → Bị loại (thiếu động lực, không có định hướng)
→ “Tại sao bạn muốn vào công ty tôi?”, “Sao bạn muốn làm công việc này?”, nếu trong CV không trả lời được, đồng nghĩa bạn sẽ bị loại.
※ Chỉ cần 1–2 câu thật lòng như:
・ “Tôi muốn học cách làm việc chuyên nghiệp của người Nhật.”
・ “Tôi muốn dùng tiếng Nhật để giao tiếp với khách hàng.”
Bạn có hiểu vì sao bạn muốn làm việc tại doanh nghiệp Nhật không?
Khi bạn bước vào vòng phỏng vấn, người Nhật thường đặt câu hỏi:
「なぜ日本の会社で働きたいですか?」(Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty Nhật?)
Nếu bạn trả lời:
•「お金を稼ぎたいです」(Tôi muốn kiếm tiền) → Nhà tuyển dụng sẽ gật đầu, nhưng đối với họ đó chưa phải là câu trả lời ấn tượng.
• Nhưng nếu bạn nói:
「日本の企業マナーを学びたいです」
「日本語を活かして働きたいです」
「日本人の仕事の仕方を学びたいです」
Nhà tuyển dụng sẽ cho rằng “Bạn là người có định hướng và có khả năng làm việc lâu dài.”
Tóm lại, lý do muốn làm việc tại công ty Nhật cần phải rõ ràng và thuyết phục
• “Tôi muốn học cách sử dụng tiếng Nhật và phong cách giao tiếp của Nhật, để có thể trở thành một nhân viên dịch vụ chuyên nghiệp trên toàn cầu.”
•“Tôi yêu thích tiếng Nhật và đang tiếp tục học từ hội thoại thường ngày đến cách diễn đạt trong công việc.”
•“Tôi muốn áp dụng kinh nghiệm làm việc nhóm trước đây vào môi trường công việc mới ở doanh nghiệp Nhật Bản.”
•“Tôi mơ ước sau này sẽ xây dựng một công ty tại quê hương theo phong cách làm việc kiểu Nhật, nên cần trải nghiệm thực tế trong doanh nghiệp Nhật.”
Vì sao điều này cực kỳ quan trọng?
(1). Người có mục tiêu rõ ràng thì sẽ không dễ nghỉ giữa chừng
Điều khiến các công ty Nhật lo ngại nhất không phải là “chưa có kinh nghiệm”, mà là:“Liệu người này có bỏ việc sau vài tháng không?”
Nếu bạn chỉ viết:“Tôi muốn kiếm tiền, lo cho cuộc sống”… Nhà tuyển dụng sẽ nghĩ: “Nếu nơi khác trả cao hơn, người này sẽ bỏ đi”.
Ngược lại, nếu bạn viết:“Tôi muốn học hỏi văn hóa Nhật”, “Tôi muốn dùng tiếng Nhật trong công việc”.
Họ sẽ cảm thấy bạn có định hướng, có lý do nội tại để gắn bó lâu dài.
(2). Khi bạn viết rõ “vì sao là công ty Nhật”, bạn khác với 100 người còn lại
Nhà tuyển dụng luôn tự hỏi:
“Ứng viên này có thể sẽ chọn bất kỳ công ty nào, đâu cần gì phải là công ty mình?”
Nếu CV của bạn cho thấy bạn hiểu:
• Văn hóa làm việc của Nhật
• Phong cách giao tiếp của Nhật
• Và bạn thật sự muốn làm việc trong môi trường Nhật
Chính vì vậy, bạn sẽ nổi bật. Không còn là người “xin việc vì tình cờ”, mà là người có định hướng và phù hợp.
(3). Ứng viên có tầm nhìn tương lai sẽ được tin tưởng hơn
Những công ty Nhật, đặc biệt là công ty vừa và nhỏ không chỉ tuyển người làm 3 tháng. Họ luôn suy nghĩ:
“Liệu người này trong 3 năm tới sẽ phát triển như thế nào?”
Chính vì vậy, nếu bạn viết:
•“Tôi muốn học hỏi để sau này xây dựng công ty của riêng mình”
•“Tôi muốn trưởng thành trong môi trường làm việc Nhật”
Họ sẽ đánh giá bạn là người có khát vọng phát triển, sẵn sàng đầu tư đào tạo.
Bạn cần đặc biệt lưu ý cách viết lý do ứng tuyển:
1. Vì sao bạn chọn Nhật Bản? (ngôn ngữ, văn hóa, phong cách làm việc)
2. Kinh nghiệm nào bạn có thể áp dụng vào công việc tại công ty Nhật?
3. Bạn muốn học hỏi hay phát triển điều gì khi vào làm?
Đặc biệt:



3. 即戦力なし → 保留(社内、検討が必要)Không có năng lực làm được việc ngay → Được bảo lưu (hiện tại công ty cần phải xem xét)
→ Không cần bạn giỏi, nhưng nếu bạn đã từng làm công việc tương tự, hoặc có thể bắt đầu công việc ngay mà không cần phải qua đào tạo, bạn sẽ được ưu tiên.
※ Hãy viết rõ rằng:
・ “Tôi từng làm thêm tại quán ăn của Nhật, phụ trách nhận order, tính tiền, dọn bàn.”
・ “Tôi có thể bắt đầu đi làm từ tuần tới.”
Có một người bạn Nhật phụ trách tuyển dụng của tôi đã không ngần ngại chia sẻ rằng: “Tôi không cần người giỏi, tôi cần người làm được ngay”. Chính vì vậy, trong CV của bạn thay vì viết:「飲食店で働いたことがあります」. Hãy viết:「1年間、レストランでホールを担当。注文、レジの経験があります。」
Như vậy, nhà tuyển dụng có thể hình dung bạn sẽ đứng ở đâu trong đội ngũ của công ty.
Lưu ý: “Điểm mạnh có thể làm việc ngay” cần được thể hiện rõ ràng như:
• “Công việc trước: Phục vụ bán thời gian tại quán ăn (1 năm) / Có kinh nghiệm tiếp khách bằng tiếng Nhật”
•“Từng làm kiểm tra sản phẩm trong nhà máy / Được đánh giá cao nhờ độ chính xác và tốc độ”
•“Đã thi đỗ JLPT N4 / Giao tiếp được tiếng Nhật và tiếng Anh ở mức cơ bản”
•“Sử dụng được máy tính / Thành thạo Excel cơ bản và có kinh nghiệm nhập dữ liệu, xử lý chứng từ”
•“Có kinh nghiệm dọn dẹp và xếp giường khách sạn / Làm vệ sinh khách sạn 1 năm”
Vì sao điều này cực kỳ quan trọng?
(1). Doanh nghiệp Nhật luôn cần người “có thể vào làm ngay”
Đặc biệt là các công ty sản xuất, dịch vụ hoặc doanh nghiệp nhỏ thường có nhu cầu:
“Tuyển người có thể làm ngay, không phải đào tạo nhiều.”
Chính vì vậy, nếuCV của bạn ghi rõ:
•“Tôi từng làm gì?”
•“Tôi có thể làm gì?”
Bạn tăng khả năng được mời phỏng vấn ngay nhanh hơn.
(2). Kinh nghiệm thực tế mạnh hơn “lý thuyết”
Dù chỉ là vài tháng, nếu bạn đã từng làm thật (giao tiếp với khách, dọn dẹp, kiểm hàng…) → nhà tuyển dụng Nhật sẽ nghĩ:“Bạn đã quen với nhịp độ công việc. Có thể hướng dẫn 1 lần là làm được.”
Ngược lại, nếu bạn chỉ nói: “Tôi đã học trong lớp…” → Họ sẽ phân vân: “Liệu bạn có làm được không?”
(3). Nói là “tôi sẽ cố gắng” không bằng “tôi từng làm được”
So sánh:
•
“Em sẽ cố gắng học và làm tốt.”

•
“Em từng làm công việc tương tự trong 6 tháng và được đánh giá là làm tốt, nhanh.”

Như vậy, nhà tuyển dụng sẽ tin người có kinh nghiệm cụ thể hơn người chỉ hứa hẹn.
(4). Người đọc CV đang tìm kiếm sự “an tâm”
So sánh hai cách viết:


・ “Từng làm quán ăn” ⇒ “Làm tại quán ăn Nhật 1 năm / Giao tiếp, nhận order, thanh toán”
・“Biết tiếng Nhật” ⇒ “Đã thi đỗ N4 / Dùng tiếng Nhật giao tiếp với khách hàng”
・“Biết dùng máy tính” ⇒ “Đã nhập dữ liệu chấm công bằng Excel / Biết dùng hàm đơn giản”
Nhà tuyển dụng chỉ mất 3 giây để quyết định nếu họ đọc được nội dung rõ ràng như vậy.
Câu then chốt có thể quyết định việc được gọi phỏng vấn:
“Tôi chưa từng làm việc ở lĩnh vực này, nhưng tôi đã làm việc tương tự ở…., nên tự tin có thể học và làm quen rất nhanh.”
Câu này tạo cảm giác yên tâm cho nhà tuyển dụng: “Người này sẽ không làm tôi mất thời gian.”

4. 人柄・清潔感あり → 面接で会いたい Có thiện cảm, cảm giác sạch sẽ → Muốn gặp phỏng vấn
→ Không chỉ kỹ năng, “cảm giác muốn làm việc cùng” mới là yếu tố quyết định.
→ Nét chữ gọn gàng, cách diễn đạt dễ hiểu, ảnh chân dung sáng sủa = “Người này có thể tin tưởng được”.
※ Hãy bổ sung thêm 1–2 câu nói về bản thân như:
・ “Tôi coi trọng việc đúng giờ và luôn hoàn thành công việc được giao.”
・ “Tôi thích làm việc nhóm và thường ghi chép cẩn thận khi có hướng dẫn.”
Nhà tuyển dụng muốn thấy “con người thật” trong CV(履歴書) của bạn
Một câu như:
「人と話すのが好きです。感謝されるとやりがいを感じます」
「趣味は料理です。チームで協力するのが得意です」
Ngắn, đơn giản, nhưng họ có thể cảm nhận được nụ cười và tinh thần cộng tác của bạn. Tuy nhiên, họ sẽ tiếp tục tự vấn rằng “Người này có thể làm việc cùng đồng nghiệp Nhật không? Có thể làm khách hàng của công ty cảm thấy thoải mái không?”. Nếu câu trả lời là “Có thể”, bạn đã đi được 80% chặng đường tới phỏng vấn.
Chính vì vậy, dù đơn giản nhưng bạn cũng nên viết vào履歴書 như:
•“Sở thích: Nấu ăn. Tôi thích cùng mọi người phối hợp làm các món ăn.”
•“Tôi từng tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Nhật và có kinh nghiệm nói trước đám đông.”
•“Tôi thích nói chuyện với mọi người. Mỗi khi được nói lời ‘Cảm ơn’, tôi thấy rất có động lực.”
•“Tôi từng chăm sóc bà nội, từ đó tôi yêu thích công việc hỗ trợ và chăm sóc con người.”
•“Ngày nghỉ, tôi thường đi nhặt rác và tham gia hỗ trợ sự kiện của khu phố.”
Vì sao điều này quan trọng đến vậy?
(1). 履歴書 là nơi nhà tuyển dụng “cảm” được bạn là ai
CV không chỉ để trình bày kỹ năng. Nó là “bức tranh thu nhỏ của một con người”.
Chính vì vậy, nếu bạn chỉ viết “tôi biết làm cái này, từng làm ở nơi kia”… thì bạn chỉ là một bản ghi chép.
Nhưng nếu bạn cho người đọc cảm nhận được bạn là người dễ gần, biết cảm ơn, chân thành, thì nhà tuyển dụng sẽ thích bạn ngay lập tức và nghĩ rằng:“Tôi muốn gặp người này để hiểu rõ hơn.”
(2). Người Nhật rất coi trọng “tính cách” khi tuyển dụng
Khác với phương Tây, nơi người ta tuyển dựa vào bằng cấp, thành tích thì ở công ty Nhật, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, “có dễ làm việc cùng không?” mới là yếu tố số một.
Chính vì vậy, nếu CV của bạn toát lên cảm giác:
• Biết lắng nghe
• Biết phối hợp
• Biết cảm ơn
Bạn sẽ được đánh giá là “người dễ đào tạo và đáng tin cậy”.
(3). “Câu chuyện thật” đáng tin hơn 1.000 lời văn hoa
Những câu kiểu mẫu sao chép từ Google sẽ bị phát hiện ngay.
Nhưng một câu ngắn chẳng hạn như: “Tôi không quên lần đầu được mang thực đơn ra đưa cho khách và được họ nói cảm ơn. Tôi thấy mình có giá trị.”
Câu nói tuy mộc mạc, nhưng nó là thật. Và người thật thì được tin tưởng.
(4). Những CV có “cảm xúc” là những hồ sơ được nhớ tới
Một ngày, nhà tuyển dụng phải xem hàng chục, thậm chí hàng trăm hồ sơ.
Họ sẽ không nhớ ai có N3, ai có kinh nghiệm làm việc 2 năm. Nhưng họ sẽ nhớ:
“Cậu bé thích đi nhặt rác vào cuối tuần.”
“Cô gái từng chăm sóc bà nội nên muốn làm nghề điều dưỡng.”
Đó là cách bạn ghi tên mình vào trí nhớ người đọc và mở ra cánh cửa phỏng vấn.
Bạn có thể tham khảo thêm nhà tuyển dụng Nhật đánh giá “tính cách” qua đâu?
・Sở thích, hoạt động xã hội → Tính cách, khả năng hòa đồng, bền bỉ
・Mối quan tâm đến người khác → Có thể làm việc nhóm? Có tinh thần hỗ trợ?
・Động lực xuất phát từ sự cảm ơn → Có thể gắn bó lâu dài vì cảm xúc tích cực
・Giá trị học được từ trải nghiệm thật → Người có chiều sâu, không nói dối
● Nếu bạn là người đang chuẩn bị nộp hồ sơ ứng tuyển vào công ty Nhật
Hãy ghi nhớ:
• Khi viết CV(履歴書) giống như viết một lời chào tử tế đầu tiên
• Ngắn gọn – trung thực – dễ hiểu – có mục tiêu rõ ràng
• Ảnh thẻ đẹp, chữ sạch, câu văn rõ ràng và chuẩn mực